Lấy cao răng: Những điều cần biết. Có nên đi lấy cao răng không?

Lấy cao răng là một thủ thuật đơn giản, nhẹ nhàng nhưng có ý nghĩa rất lớn với việc bảo vệ sức khỏe răng miệng. Theo nhiều nghiên cứu, Cao răng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các bệnh quanh răng và hậu quả là gây mất răng ở người trung tuổi. Việc đi lấy cao răng và khám răng định kì 6 tháng/ lần là rất quan trọng trong việc kiểm soát các bệnh răng miệng.

1. Cao răng là gì

Cao răng là một chất lắng cặn cứng bám rất chắc vào bề mặt răng hoặc chân răng.Thành phần của cao răng gồm các muối vô cơ canxi carbonat, canxi phosphate phối hợp với các cặn mềm là mảnh vụn thức ăn, các chất khoáng trong môi trường miệng, vi khuẩn, xác chết tế bào,…

Quá trình hình thành cao răng: Sau khi ăn, uống hoặc đánh răng khoảng 15 phút, trên bề mặt răng hình thành một màng mỏng trong suốt gọi là màng Biofirm. Lớp màng này mềm, không nhìn thấy bằng mắt thường và rất dính nên mảnh vụn thức ăn, vi khuẩn ở trong miệng dễ bám vào màng tạo thành một lớp trong hay ngà vàng trên mặt răng gọi là mảng bám. Mảng bám có thể lấy đi được một phần nhờ đánh răng sạch. Sau một thời gian ngắn, các loại vi khuẩn, các muối calcium trong nước bọt cùng với mảnh vụn thức ăn tích tụ ngày càng dày lên làm cho mảng bám dày và cứng dần, tạo thành cao răng. Lúc này, đánh răng không thể loại bỏ được cao rang mà cần phải đến gặp nha sĩ để làm sạch bằng dụng cụ chuyên dụng.

2. Phân loại cao răng

Có hai loại cao răng:  Cao răng nước bọt và cao răng huyết thanh.

  • Cao răng nước bọt: thường bám trên mặt răng, kẽ răng và ở trên lợi. Chúng thường có màu vàng nhạt, nâu vàng hoặc nâu đỏ do các muối calci trong nước bọt lắng đọng trên mảng bám. Bạn có thể nhìn rõ được loại cao răng này, loại cao răng này thường dễ bong khi dùng đầu lấy cao răng
  • Cao răng huyết thanh: thường bám trên mặt răng, kẽ răng và ở dưới lợi. Chúng được tạo thành bởi lợi viêm gây chảy máu, phần huyết thanh dính trong máu bám vào cao răng nước bọt làm cao răng nước bọt chuyển sang màu đen và rất cứng, đầu cao răng mất nhiều thời gian hơn để loại bỏ loại cao răng này.

3. Các nguyên nhân dẫn đến cao răng

  • Thói quen vệ sinh răng miệng chưa tốt: chải răng sai cách… không dùng chỉ nha khoa chưa tốt
  • Chế độ ăn nhiều tinh bột, đường,.. góp phần hình thành mảng bám và vi khuẩn nhanh chóng
  • Bề mặt răng không được nhẵn mịn tự nhiên
  • Trên răng có những điểm gờ do mối hàn hoặc cầu chụp cũ tạo điều kiện thuận lợi để cao răng tích tụ.

4. Tại sao phải lấy cao răng

Cao răng chính nơi trú ngụ của vi khuẩn, gây ra nhiều tác hại với sức khỏe răng miệng :

  • Khiến hơi thở có mùi, thiếu tự tin trong giao tiếp
  • Gây viêm lợi, chảy máu lợi khi chải răng hoặc chảy máu tự nhiên
  • Cao răng tích tụ nhiều cả trên và dưới lợi sẽ phá hủy tổ chức nha chu quanh răng dẫn đến tiêu xương, tụt lợi dẫn đến hậu quả là hở chân răng, ê buốt, lung lay răng. Nếu tình trạng không được khắc phục sẽ dẫn đến mất răng, ảnh hưởng chức năng ăn nhai và thẩm mỹ.

5. Nên lấy cao răng bao lâu một lần

Việc vệ sinh răng đúng cách, kĩ càng sẽ giúp hạn chế được sự hình thành của cao răng mảng bám nhưng không thể hạn chế hoàn toàn được nên việc tới gặp nha sĩ để lấy cao răng định kì vẫn là một việc làm cần thiết.

Cụ thể:

  • Lấy cao răng 6 tháng/ lần  đối với các trường hợp vệ sinh răng miệng tốt, men răng tốt, cao răng ít.
  • Lấy cao răng3-4 tháng/ lần đối với người vệ sinh răng miệng kém, uống thuốc lá, bia rượu, có men răng sần sùi, dễ tích tụ các mảng bám ở thân răng và nướu răng.
  • Với trẻ dưới 10 tuổi, trước khi lấy cao răng cần thăm khám trước và chọn biện pháp lấy cao răng nhẹ nhàng phù hợp với trẻ.

Không nên để đến khi đã hình thành cao răng, cao răng dày rồi mới lấy vì trong  thời gian kéo dài cao răng đã gây ra những thương tổn và hậu quả.

Tóm lại, Lấy cao răng là một thủ thuật nha khoa đơn giản nhưng đem lại nhiều lợi ích. Mục tiêu của lấy cao răng là phải loại bỏ được hết cao răng và mảng bám ở mọi mặt của răng. Có như vậy mới đạt được mục đích điều trị và phòng ngừa. Bên cạnh đó việc phòng tránh nguy cơ lây nhiễm khi lấy cao răng cũng rất quan trọng. Vì vậy bạn nên tìm đến những cơ sở Nha khoa uy tín với các trang thiết bị hiện đại để nhanh chóng lấy lại hàm răng trắng sáng, tránh để bị mất điểm bởi hàm răng vàng ố, đầy cao răng.