Niềng răng mắc cài có đau không? Các giai đoạn niềng răng mắc cài

Cái răng cái tóc là góc con người, từ xưa đến nay, một hàm răng đẹp luôn là một trong những quy chuẩn của thẩm mỹ. Trong bối cảnh kinh tế xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu về thẩm mỹ cũng như trải nghiệm trong điều trị của con người ngày càng cao, Niềng răng ngày càng được nhiều người lựa chọn để có được một hàm răng đảm bảo chức năng ăn nhai và thẩm mỹ như mong muốn. Khi tiếp xúc với bệnh nhân đang có nhu cầu niềng răng, bác sĩ nhận được rất nhiều câu hỏi về quá trình niềng, và một trong những băn khoăn hay gặp nhất đó là “ Niềng răng có đau không?” Bài viết sau đây, bác sĩ sẽ giải đáp giúp các bạn về vấn đề này.

1. Nguyên nhân gây đau khi niềng răng

Niềng răng là quá trình bác sĩ sử dụng các khí cụ để di chuyển răng theo kế hoạch đã đưa ra ban đầu, đưa răng về vị trí đúng đảm bảo khớp cắn chuẩn và thẩm mỹ. Các khí cụ này sẽ tác động lực lên răng làm căng các dây chằng nha chu quanh răng dẫn đến cảm giác căng tức và ê buốt. Tuy nhiên cảm giác này không quá nhiều và có thể dễ dàng vượt qua được. Răng nào càng xoay và lệch lạc nhiều thì sẽ đau nhiều hơn.

2. Những giai đoạn đau trong khi niềng răng

Quá trình niềng răng diễn ra trung bình trong 1.5 – 2 năm. Nhưng trong giai đoạn này không phải lúc nào cũng đau mà sẽ có những giai đoạn nhất định

  • Giai đoạn gắn mắc cài và bắt đầu đi dây cung đầu tiên: khi bắt đầu quá trình điều trị bằng dây lực nhẹ sẽ giúp cơ thể thích nghi tốt hơn, và thường không gây đau hoặc chỉ đau nhẹ.
  • Đau khi nhổ răng: Đây là lúc có thể đau đến mức phải dùng thuốc giảm đau. Nhổ răng chỉnh nha thường là nhổ các răng hàm nhỏ, nhổ một hoặc nhiều răng một lần. Có những bệnh nhân sau nhổ răng không cần dùng thuốc giảm đau nhưng cũng có những người phải uống giảm đau liều cao. Tuy nhiên cảm giác đau này sẽ không kéo dài ngày, nếu đau lâu có thể do các vấn đề viêm huyệt ổ răng, nhiễm trùng… cần gặp bác sĩ để thăm khám ngay
  • Đau khi kéo răng: Nhiều năm trước đây khi vật liệu chỉnh nha còn chưa đầy đủ, thường lực ban đầu khi kéo răng rất lớn sau đó giảm nhanh dẫn đến bệnh nhân đau nhiều mỗi lần kéo răng. Ngày nay với nhiều vật liệu mới ra đời vừa kiểm soát được lực, bạn không còn bị cảm giác đau nhiều mỗi lần bác sĩ kích hoạt mà còn giảm được thời gian tái khám.
  • Đau mỗi lần thay dây cung: Cảm giác này có nhưng không nhiều, đáng chú ý nhất là lần thay dây cung chữ nhật đầu tiên, răng sẽ di chuyển theo cả ba chiều không gian nên cảm nhận đau sẽ rõ hơn.
  • Đau do mắc cài cọ và niêm mạc hoặc do dây cung thừa đâm vào má: Vấn đề này đơn giản, bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn dùng sáp chỉnh nha, bạn có thể đến phòng khám để bác sĩ cắt dây cung thừa, không cần đúng lịch tái khám định kì.
  • Đau khi mang khí cụ tháo lắp chỉnh nha: Khí cụ nong rộng khẩu cái dễ làm đau nhất bởi bản chất là tách đường khớp giữa khẩu cái sang hai bên. Cảm giác chỉ đau nhiều nhất khi đường khớp tách, sau đó thì không còn đau nữa.

3. Phân biệt

Cần phân biệt đau do răng, đau do niềng răng với đau do các nguyên nhân khác như đau thần kinh, đau khớp thái dương hàm…. Mọi trường hợp đau đến mức quá ngưỡng đau bình thường đều cần phải thông báo ngay cho bác sĩ của bạn.

Với công nghệ khoa học hiện đại phát triển không ngừng,  nha khoa hiện đại ngày nay hướng tới việc không chỉ đem lại hiệu quả điều trị tốt mà còn đem đến trải nghiệm nhẹ nhàng nhất trong quá trình điều trị cho bệnh nhân. Vì vậy trước khi niềng răng, bạn hãy là bệnh nhân thông thái, lựa chọn những nha khoa uy tín và có bác sỹ chuyên sâu về niềng răng.